Quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) sẽ tận dụng và phát huy được lợi thế về đất đai, nguồn nguyên liệu, tay nghề lao động sẵn có tại nông thôn; góp phần di dời các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các làng nghề nông thôn; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thu nhập ở nông thôn thông qua thu hút các dự án đầu tư, tạo ra việc làm cho lao động nông thôn, duy trì phát triển nghề, làng nghề truyền thống, các sản phẩm mới ở nông thôn.
Hiện nay, công tác quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN được đánh giá cơ bản đáp ứng mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 của cả nước có 1.467 CCN với tổng diện tích 48.899 ha. Số CCN tập trung nhiều ở vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ.
Theo tổng hợp từ các địa phương, tính đến nay tổng vốn đã đầu tư hạ tầng của các CCN là 15.762 tỷ đồng; hình thức đầu tư hạ tầng chủ yếu là cuốn chiếu (vừa đầu tư hạ tầng vừa cho thuê đất). Cả nước có 721 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng diện tích xấp xỉ 20.056 ha. Có 472 CCN (với tổng diện tích khoảng 13.273ha) đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn đầu tư 44.891 tỷ đồng (trung bình 3,4 tỷ đồng/ha), đã và đang tiến hành đầu tư hạ tầng.
Với chủ trương quy hoạch xây dựng của Chính phủ, Thăng Long Deco xác định việc đầu tư xây dựng các CCN, làng nghề là định hướng phát triển chính của Công ty trong những năm tới đây.